Home Chuyện một người hàng xóm tốt bụng của chúng ta

Chuyện một người hàng xóm tốt bụng của chúng ta

Nhà nào chẳng có hàng xóm láng giềng, nhất là người mình vốn xem trọng chuyện này. Tục ngữ ta có câu: bán anh em xa mua láng giềng gần. Nhưng, có được một người hàng xóm tốt bụng và đáng mến như bà Doris Silva thì phải là một thiện duyên.

Tháng trước, tôi dành chút thì giờ đến nhà dưỡng lão để thăm bà, người hàng xóm đáng quý của chùa Phổ Từ. Trung tâm chăm sóc người lớn tuổi này nằm ở khu trung tâm thành phố nên việc đi lại cũng dễ dàng, thuận tiện. Điều lưu ý trước mắt người đến là phòng ốc, tiện nghi nhất nhất đều ngăn nắp, sạch sẽ. Vốn từng làm việc trong ngành dưỡng lão tại Hoa Kỳ hơn 5 năm, tôi hiểu được việc giữ gìn nơi chốn gọn gàng, vệ sinh được như trên là chuyện khó làm, đòi hỏi công khó và thiện chí của mọi người có trách nhiệm. Trong không khí tĩnh lặng của khu an dưỡng, người tiếp khách ân cần hướng dẫn khách đến thăm cho thấy cung cách làm việc chuyên nghiệp lẫn lịch thiệp.

Khi được cho biết số phòng, tôi bước đến gõ cửa. Bà Silva xuất hiện bên khuôn cửa trong nỗi vui mừng của cả hai người. Tôi thấy bà già hơn trước nhiều, có vẻ mệt mỏi nhưng đôi mắt vẫn tinh anh, tâm trí vẫn còn sáng suốt khi ngồi nói chuyện với tôi. Bà thường thân mật gọi tôi là Rev. Long, như Bà gọi vị Cha xứ, Fr. Mike, của nhà thờ St. John’s nơi bà thường đi lễ mỗi tuần. Trong nỗi xúc động nhen nhúm từ hồi tưởng, tôi nhìn thật kỹ gương mặt Bà, đặt vào tay Bà chiếc bánh đặt mua, rồi lặng yên ngồi nghe Bà tâm sự. Nhiều năm trước, lúc Mẹ tôi từ Việt Nam qua, tôi có dẫn lại thăm Bà. Hai người chỉ cách nhau 5 tuổi nên chắc hẳn tấm lòng đối với con cái không khác biệt nhau. Khi đó, ngồi cạnh hai người, tôi nghĩ tôi đã có hai người mẹ. Phải, tôi xem Bà như người mẹ thứ hai của mình.

Phải nói, tôi là người may mắn khi có một người hàng xóm đáng quý đáng mến như Bà. Thật tình cờ khi chúng tôi chọn mua khu đất ngay sát nhà Bà để xây chùa Phổ Từ vào năm 2000.

Trong vòng mười lăm năm trước, khi còn khỏe, Bà thường lái xe đi nhà thờ hàng ngày. Thỉnh thoảng còn ở lại để phụ việc từ thiện nữa. Biết Bà có lòng như vậy nên thỉnh thoảng tôi cũng ghé thăm và mua mấy món đồ gây quỹ giúp người nghèo. Kỷ niệm sâu xa nhất, là ngày đức Giáo hoàng John Paul II qua đời, tôi cùng dự một thánh lễ với Bà, vừa để tỏ lòng tôn kính Ngài và cũng là dịp để bày tỏ lòng biết ơn Bà bằng việc cùng chung một niềm thương tiếc.

Tôi vừa nhắc đến lòng biết ơn với người, với đất nước cưu mang chúng ta. Nhiều lắm, bạn à. Này nhé, đất nước nầy vốn là xứ sở của truyền thống Cơ đốc giáo, còn mình là người tỵ nạn đến từ một xứ nhỏ nơi châu Á xa xôi mang theo truyền thống Nho Phật Đạo của văn minh Đông phương. Dù khác biệt về nhiều phương diện văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng, tập quán, nếp sống nhưng xứ sở này đã nhìn nhận, cảm thông, giúp đỡ không tỵ hiềm thì đó không phải là một ơn nghĩa lớn lao sao! Huống hồ, Bà là một trong những người nhiệt thành ủng hộ việc xây dựng cơ sở tôn giáo của chúng ta, nói chi đến việc phàn nàn, hay gây trở ngại đến việc cho phép xây cất.

Tôi còn nhớ ngày ra điều trần (Hearing) trước chính quyền Quận Hạt (County), Bà là một trong sáu người hàng xóm có mặt để ủng hộ dự án xây cất chùa. Có thể nghĩ Bà là một trong những duyên lành để cội bồ đề tỏa mát nơi trú xứ Meekland hôm nay. Đáng nhớ nữa là cứ khoảng hai, ba tháng, Bà lại gởi cho Chùa một tấm chi phiếu 25 Mỹ kim gọi là góp phần hộ trì Tam Bảo. Có qua thì phải có lại, mới toại lòng nhau, cho nên khi có thì giờ làm sạch sẽ trên đường trước chùa, tôi cũng luôn tiện dọn dẹp khu vườn trước nhà Bà khi biết Bà lớn tuổi, yếu tay.

Lúc Bà vào viện dưỡng lão lần đầu, người con gái của Bà có liên lạc nhờ Chùa giúp lưu tâm căn nhà của Bà. Tôi xem hành động đó như là một thông điệp của Tin Tưởng (message of trust) giữa xóm giềng đôi bên.

Thật vậy, về chuyện nhà, Bà cũng có lần thành thật giãi bày cùng tôi. Bà mở tập ảnh gia đình cho tôi xem. Bà kể chuyện người chồng đi lính thời Mỹ tham chiến tại Cao Ly (Korea). Ông là tài xế lái xe quân đội, từng đóng quân ở Nhật một thời gian. Tôi cho Bà xem hình ảnh khi tôi cùng với Phổ Đức, Phổ Châu đi dự hội thảo “Buddhist-Christian Dialogue” ở Rome hồi tháng 6 năm rồi. Bà nhìn tấm hình, tôi bắt tay, chào kính đức Giáo hoàng Francis và cứ tấm tắc lặp lại câu nói: My God, good for you, Reverend. Tôi cho Bà biết, trong dịp đó, tôi có dâng đèn, cầu nguyện cho Bà được mạnh khỏe ngay taị thánh đường linh thiêng ở toà thánh Vatican. Đôi mắt Bà sáng lên một niềm xúc động, một tình cảm thánh thiện, bao la của người nhận ơn sủng. Tôi cũng cảm thấy trong lòng rưng rưng khi có thể làm được một việc có ý nghĩa cho Bà vui.

Dường như Kinh Thánh có lời dạy tín đồ, hãy thương yêu người hàng xóm như chính bản thân. Tôi nghĩ, giáo lý nhà Phật, qua kinh Từ Bi, cũng khuyến thỉnh mọi người có tấm lòng tương tự, thương yêu tất cả mọi loài khi gặp được nhân duyên.

Mấy tháng trước, căn nhà Bà đã được bán cho người khác. Trước khi quyết định, bà Silva có bảo người con trai hỏi ý của nhà Chùa trước đã. Nếu nhà Chùa muốn mua thì Bà sẵn lòng bán với giá rẻ hơn. Chúng tôi chỉ ngỏ lời cám ơn vì đang dồn nỗ lực để xây dựng Trung tâm Phổ Trí ở Vacaville. Nay, người chủ mới đã sửa sang lại ngôi nhà. Họ còn theo đúng luật phong thủy đông phương, quay hướng nhà ra mặt đường chính, lợp mái, tu bổ nhiều nơi trong đó có cảnh trí mảnh vườn nhà. Cảnh nhà nay đã khác xưa nhưng mỗi lần nhìn lại, tôi không khỏi bùi ngùi nhớ lại mối chân tình của gia đình người láng giềng đáng quý. Tôi tin tưởng, bà thật sự đã sống cuộc đời thuần thành của một tín đồ, một con người lương hảo của gia đình và xã hội.

Còn một điều tương đồng thú vị nữa, cả bà Silva và tôi đều tìm kiếm cho mình một nơi an nghỉ tại nghĩa trang Lone Tree Cemetery ở Hayward, trên đồi Fairview. Thì ra, không cần đến sự sắp đặt kỳ diệu nào, cuối cùng, chúng tôi vẫn là những người hàng xóm tốt bụng mãi mãi.

Author: admin

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *