Home Ai là kẻ “giết” chùa?

Ai là kẻ “giết” chùa?

Ai là kẻ “giết” chùa?

(PGVN) Sau khi trang tin phatgiao.org.vn đăng bài viết “Đạo Phật sẽ đi về đâu?”, tôi được nhiều bạn đọc gửi thông tin phản hồi. Thành tâm biết ơn sư quan tâm của các “hộ pháp”. Nay, tôi quyết định đi sâu thêm một chút nữa, chỉ một chút và động đến một góc nhỏ của thực trạng, chuyện “chùa chết” thì đã rõ. Nhưng ai là người “giết” chùa? thì cần có câu trả lời.

Tôi đến thăm một ngôi chùa khá nổi tiếng ở ngoại thành Hà Nội. Tôi lễ Phật rồi đi vãn cảnh chùa. Tự nhiên tôi muốn được gặp thầy trị trì. Tôi hỏi thăm và được bà cụ đang quét chùa nói rằng bà không thấy thầy đâu. Hoặc thầy vẫn đang ngủ. Hoặc thầy đã đi từ sớm. Lúc đó quãng 8h30 sáng.

Theo chỉ lối của bà, tôi đi xuống phía sau. May thay, gặp thầy đang uống trà và hút thuốc lào. Tôi tự giới thiệu và chúng tôi làm quen với nhau. Thầy năm nay 40 tuổi và đã trụ trì ở ngôi chùa nổi tiếng này gần 20 năm. Thầy cho biết trong chùa chỉ có mình thầy là sư. Các thầy khác đi nhận trụ trì các chùa khác hết rồi.
Tôi bàn với thầy nguyện vọng của tôi muốn tổ chức các khóa tu, các buổi giảng pháp cho các bạn trẻ, cho người dân, thầy bảo rằng không làm được đâu. Bởi thầy có một mình sao mà làm được. Tôi hỏi tại sao thầy lại có một mình, sao không có thêm các thầy khác. Thầy nhìn tôi như người ngoài hành tinh “Anh học rộng biết nhiều mà không biết ngoài Bắc mình có truyền thống nhất tăng nhất tự à”.

Thì ra vậy. Truyền thống bao đời nay rằng chỉ có một sư cho một ngôi chùa. Nếu có đệ tử thì các thầy trong thiền môn cũng chỉ ở với nhau một thời gian và sau đó là “nhanh chóng” đi trụ trì ở chùa khác, coi như ra ở riêng. Phật ơi, tu cần có tăng thân, ngay cả quý thầy xuất gia tu một mình cũng rất khó, tu giữa làng quê với “chùa làng, tín ngưỡng xóm” một mình rất khó, chưa nói đến hoằng pháp. Tôi đã tìm ra kẻ giết chùa đây rồi, nhưng cũng khó mà gọi được tên nó, chẵng lẽ lại đổ lỗi cho “truyền thống”? Vì chúng ta cũng đã có một truyền thống Phật giáo rất đáng tự hào cơ mà. Thôi tạm gọi thủ phạm là “truyền thống nhất tăng nhất tự” đã cùng với các thủ phạm khác, đã “giết” chùa.Lại nhớ đến câu chuyện tuần trước. Tôi được một Đại đức (lại là trụ trì một ngôi chùa khác, cũng ở ngoại thành Hà Nội) mời về thăm. Thầy rất nhiệt tình và mong tôi một lần về đó giúp thầy. Thầy tiếp đón tôi nồng hậu lắm. Cuối cùng thầy dẫn lên thất riêng để tâm sự. Chúng tôi nói rất nhiều chuyện. Tôi tập trung nói về hai chủ đề: thực hành lời Phật dạy và hoằng pháp. Trước khi về, tôi xin phép thầy nói thẳng với thầy về việc có mấy chai bia ở trong thất riêng thờ Phật rất nguy nga thế này là không ổn.

Thầy xin lỗi và nói rằng do các phật tử cúng. Tôi đề nghị thầy cất ngay đi, bởi nếu phật tử có tu học nhìn thấy, thầy mất hết uy tín và nói không ai nghe đâu. Tôi cũng nói rằng tôi linh cảm ở chùa có đồ mặn. Thầy thú thật rằng các phật tử vẫn mang thịt, rượu đến cúng ở ban Đức Chúa Ông. Tôi tỏ ra khó chịu. Thầy hỏi, thế thì làm thế nào. Tôi nói rằng phải giải thích cho dân làng. Rằng nếu thầy đồng ý cho họ mang rượu, thịt vào chùa là tiếp tay cho họ phạm Giới. Trên đường lái xe về nhà tôi đã tìm ra kẻ giết chùa. Đó là chính là việc các nhà sư không giữ Giới. Đó là chính việc các nhà sư chiều theo ý của dân làng, ủng hộ họ làm bậy, làm trái lời Phật dạy.

Tôi chợt nghĩ, cư sĩ tại gia giữ năm Giới. Các thầy mới xuất gia làm Sa di giữ 10 giới, còn các Tỳ kheo và Tỳ kheo ni giữ 248 và 350 giới. Tại sao một vị Đại đức xuất gia từ nhỏ lại vẫn uống bia, uống rượu. Tôi thật sự không hiểu.

Cứ mong những vị “tôn túc” cá biệt nêu trên giữ được 5 giới như người tại gia, cũng đã là phúc cho Phật giáo nước nhà.

Tôi lại nghĩ đến buổi gặp gỡ với một thầy từ châu Âu. Thầy cũng rất muốn găp tôi, và hẹn gặp trước khi lên máy bay về nước. Ở buổi nói chuyện, thầy buồn hai điều.

Thứ nhất, các bạn trẻ rất không muốn xuất gia. Bởi ở nhà sướng quá, vào chùa không chịu kham khổ và kỷ luật được. Rồi nếu có xuất gia thì lại không giữ Giới. Hoặc xin quay lại đời.

Thứ hai, thầy buồn vì nhiều phật tử bây giờ khi Quy y nhưng xin Quy y Nhị Bảo chứ không phải Tam Bảo. Họ chỉ Quy y Phật, Quy y Pháp chứ không Quy y Tăng. Họ mất lòng tin vào Tăng. Ôi tôi buồn quá. Tôi không tin vào điều này. Cứ như nghe trong mơ, trong mộng. Thế này thì kẻ giết chùa là chính các quý thầy và quý phật tử chúng ta thật rồi!

Ngày hôm qua tôi đến thăm một ngôi chùa rất lớn, rất nổi tiếng. Bao lần qua đây mà chưa một lần được gặp người trụ trì. Lần này, trước khi có chuyến hành hương xa, tôi muốn được đảnh lễ và thăm Sư Bà. Tôi cũng muốn mời Sư Bà tham gia khóa tu ở nước ngoài. Rồi những câu chuyện của Sư Bà làm tôi rất cảm động. Sư Bà bị bệnh. Sư Bà rất tâm huyết với phát triển Phật giáo nhưng lực bất tòng tâm. Thậm chí, nay mai bà mất, không biết ai sẽ lên thay đây. Không tìm ra người kế nhiệm xứng đáng!

Qua câu chuyện tôi lại nhận ra một điều rằng, ở đâu chùa được công nhận di tích lịch sử thì thì ở đó Phật giáo không (hoặc rất khó)  phát triển. Nghe vô lý quá đúng không ạ. Hóa ra vấn đề ở chỗ, đã là di tích thì địa phương quản lý hết, nhà chùa không có quyền gì cả. Nhiều khi người ta chỉ cần không có sư để dễ bề hoạt động, hoặc có sư thì chỉ cần “sư bình phong” làm trang trí cho đủ. Ở những ngôi chùa này, làm bất cứ gì cũng cần xin phép mà xin thì rất lâu, phép thì khó, cho lại rất ít. Lãnh đạo và ban quản lý di tích thì không quan tâm đến tu tập, đến hoằng pháp, bởi họ không là phật tử, hoặc không hiểu gì về Phật giáo. Họ chỉ quan tâm đến lễ hội và thu tiền, rồi bán vé, rồi quyên góp, rồi xin công đức. Đây rồi. Kẻ “giết” chùa đã được tìm thấy rồi.

Bạn có thể không biết và không tin, được là di tích lịch sử lại cũng hạn chế trăm bề trong việc hoằng pháp. Khó cho việc tu, khó cho hoằng pháp. Về đây họ bị biến thành công cụ phục vụ tín ngưỡng, phục vụ địa phương và phục vụ một số “cá nhân” thao túng di tích.

Phật ơi, con sợ chùa di tích lắm rồi. Tự nhiên con muốn đi Làng Mai Pháp, hoặc những chốn thanh bần nhưng thắm tình đạo ở khắp các miền quê của đất nước để được bên những ngôi chùa giản dị mà có rất nhiều tăng, ni đang tu học và hoằng pháp ở đó.

Ai là kẻ giết chùa? Còn những kẻ giết chùa nào nữa? Hãy hiện nguyên hình ra để những phật tử chân chính nhận diện và để cho Phật giáo Việt Nam có sự hồi sinh và phát triển đúng hướng.

Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng
Ghi chú: Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả – hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Sách Thái Hà