Vạn lý cô thân, mình lại rong chơi
Tính từ đêm nhìn ngắm trời sao Paris qua khung cửa sổ Linh Sơn (*), hơn ba mươi năm đã qua còn nhanh hơn bóng câu qua cửa. Ánh trăng vằng vặc buổi ấy còn soi tỏ đến nay những ý nguyện phần nào được khơi dậy trong chuyến đi xa đầu tiên mà Linh Sơn là bước đầu bỡ ngỡ. Đi là mở rộng thêm được nhiều cánh cửa. Chuyến trở lại Pháp và mấy nước láng giềng lần này mới thật là chuyến rong chơi. Không chương trình và cũng chẳng vướng bận một dự tính nào cần phải hoàn tất.
Chuyến đi qua ba nước Pháp, Đức và Hòa Lan trong vòng 2 tuần lễ không thiếu điều thú vị và vui vẻ của một cuộc viễn du mà còn đậm đà tình Đạo khăng khít bên nhau và tình Thân sưởi ấm trong lòng. Chuyến đi làm mở rộng tầm mắt, làm gần thêm con người, làm khai mở ý thức về sự cần thiết phát triển hợp tác và hiểu biết lẫn nhau. Thực sự, những chuyến rong chơi như thế chẳng thừa thãi chút nào.
Đặt chân đến trạm xe lửa ở Đức, ngăn nắp, trật tự, sạch sẽ, mình thật cảm phục tinh thần văn minh, trọng kỷ luật của người địa phương. Nhưng, vấn đề thời sự còn như bóng mây nặng chĩu trên nền trời và trong lòng một số người. Họ nghĩ rằng thái độ cởi mở hiếm có và hành động nhân bản dành cho người tỵ nạn cần phải được đáp ứng bằng nỗ lực hội nhập của những di dân. Thầy Pháp Ấn, trong tâm trạng đồng cảm của người từng đồng cảnh ngộ, cũng tấm tắc về sự khôn khéo, thực tế trong cái nhìn và hành động của một xứ văn minh giữa bao khó khăn và bất trắc.
Năm xưa, vào buổi sớm đầu tiên, ngồi dùng bữa ở trai phòng chùa Viên Giác, mình đã để mắt và trong lòng lập ngay dự hoạch tương lai cho mảnh đất trống xinh xắn bên cạnh chùa. Nay thấy mảnh đất ấy vẫn còn. Hỏi lại, thầy Hạnh Giới cho biết Chùa sẽ xây cất tại đây Trung tâm Sinh hoạt dành cho việc Tu học của Tứ chúng và cho giới trẻ. Té ra điều mình suy nghĩ ba mươi mốt năm trước không khác cái nhìn của Ôn Phương trượng về hướng phát triển ngôi chùa này trong tinh thần hoằng pháp lợi sanh.
Ở Âu châu, các ngôi chùa Khánh Anh (Pháp), Viên Giác và Viện Phật học Ứng dụng Âu châu (Đức) là những ngôi phạm vũ, xứng đáng làm nơi nương tựa tinh thần cho tứ chúng người Việt và ngoại quốc. Những người tăng sĩ có trách nhiệm ở đây, không ít thì nhiều, mặc nhiên trở thành người giữ mối giềng đời sống tinh thần và tâm linh không chỉ trong phạm vi một công đồng, trước những đòi hỏi ngày thêm phức tạp trong một xã hội phát triển mạnh mẽ về nhiều mặt.
Thực ra, lần này đi chơi mình cũng có một vài điểm muốn tìm đến. Đến Pháp, sẽ đi thăm mộ văn hào Victor Hugo. Ở Đức thì tìm đến quê nhà và nơi sáng tác của nhà văn Hermann Hesse, tác giả quyển sách nổi tiếng” “Siddhartha”, được ni sư Trí Hải dịch ra tiếng Việt với nhan đề, “Câu Chuyện Dòng Sông”. Đến Hòa Lan thì cố tìm cơ hội nhìn tận mắt những tảng màu nghệ thuật của họa sĩ trứ danh Van Gogh. Tiếc rằng mình không có trọn cơ duyên nên chỉ được vào ngôi đền Panthéon, đến trước ngôi mộ tác giả “Những Kẻ Khốn Cùng” (Les Misérables), dâng nén tâm hương bày tỏ lòng biết ơn và kính phục một cây bút thiên tài giàu lòng trắc ẩn.
Khi đến xứ Hòa Lan, bất giác, mình tìm được cái đẹp phối hợp tuyệt vời giữa thiên nhiên với nghệ thuật xây dựng của con người. Xứ này, nổi tiếng về đập ngăn nước biển, và hệ thống “dẫn thủy nhập điền” tốt nhất thế giới. Thầy Minh Hạnh làm người hướng đạo cho chuyến đi thăm thủ đô trên mặt nước Amsterdam. Hàng trăm dòng sông nhỏ chảy lững lờ, quanh co trong thành phố, với hàng trăm cây cầu bắc ngang qua. Sinh thời, thi sĩ Huyền Không tức Ôn Hội chủ Mãn Giác nhân dịp ghé thăm thành phố này đã không ngừng tấm tắc: Tuyệt vời quá, đây chính là những cây cầu Cảm Thông rất đẹp và đặc sắc của xứ Hoà Lan.
Tại xứ Hòa Lan này, ngôi chùa Vạn Hạnh xinh xắn, dễ thương cũng để lại bao chuyện đáng ghi, những điều sở đắc rút ra từ kinh nghiệm trong đời sống mà khoa học ngày một tỏ ra ảnh hưởng đến mức chế ngự con người. Một đạo hữu đưa mình ra phi trường trở về Paris, có lúc vui miệng góp tiếng: từ ngày có GPS trên xe, vợ chồng con bớt rầy rà nhau, thầy ơi ! Mình lấy làm lạ, và sau hơn nửa tiếng đồng hồ, mới hiểu. Thì ra, khi chưa có GPS trong xe, mỗi khi người chồng cầm lái nhưng người vợ mới thật sự là người điều động, chỉ huy. Lắm lúc, anh chồng muốn đi một đường mà chị vợ lại lên tiếng chỉ lối khác. Đến khi có máy GPS rồi, thì chị ngồi yên, mỉm cười thôi. Nên anh, người tài xế thân yêu, cứ theo máy chỉ dẫn mà bẻ tay lái. Vui vẻ cả nhà!
Tổ tiên từng dạy, “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Tôi có may mắn đi chơi xa trong hai tuần nên kinh nghiệm gặt hái, kiến văn thu lượm hẳn không ít. Xin cảm tạ mọi thân tình, yêu mến nhận được trong chuyến đi xa tháng 3 vừa rồi nơi trời Âu. Thời tiết đầu năm còn lưu luyến cái lạnh cuối mùa nhưng trong lòng, hứa hẹn trong tin yêu, mùa xuân nồng nàn, ấm áp.
(*) Xin xem Từ Ba Cao Điểm trong Tại Sao Tôi Đi Tu ? (chùa Phổ Từ ấn hành, 2008, tr. 9-10)
Leave a Reply