CHỦ NHẬT TƯƠI MÁT!!!
CHỦ NHẬT TƯƠI MÁT!!!
Sáng hôm nay chủ nhật 18/04/21 sau giờ giảng online “XA MẶT NHƯNG CHẲNG CÁCH LÒNG” do Thượng Tọa trụ trì Chùa Phổ Từ chủ giảng. Bầu trời bắt đầu tỏa sáng hơn, tiết xuân gió vẫn thổi nhè nhẹ, những tia nắng nhấp nhô uốn lượn vòng quanh con đường “TÌNH THƯƠNG” mà Sư Phụ chúng tôi đặt tên “COMPASSION ROAD”. Chính con đường hỷ lạc ấy đã đón chào những bước chân an lạc- thảnh thơi- vững chãi- tỉnh thức của người con Phật trong khóa tu định kỳ “BÁT QUAN TRAI GIỚI” hằng tháng được tổ chức tại Chùa Phổ Từ, Hayward, CA 94541, USA.
Hình như thiên nhiên không phụ lòng người hành thiền nên hoa lá xinh tươi lung linh rực rỡ đủ gam màu khoe hương sắc, chim hót líu lo mĩm cười hoan hỉ cùng những tán lá Red Maple Tree tô điểm cho bức tranh tu tập thiền hành “CHÁNH NIỆM” của Chư Tôn Thiền Đức cùng đạo tràng trong ngày Chủ Nhật. Quả thật đúng là “Ngày Chủ Nhật Tươi Mát”.
Thật vậy các bạn thân mến ơi! Thực tập chánh niệm là cốt tuỷ của thiền tập theo đạo Bụt. Niệm là sự tỉnh táo và không quên lãng, sự có mặt của ý thức và sự nhớ biết. Như vậy, niệm bao giờ cũng phải có đối tượng, niệm điều gì, nghĩ nhớ điều gì? Và chánh niệm bao giờ cũng là chánh niệm về một đối tượng gì? Ví dụ khi thực tập chánh niệm về hơi thở, chúng ta luôn biết rằng: “Thở vào tôi biết tôi đang thở vào, thở ra tôi biết tôi đang thở ra”, lúc ấy đối tượng của chánh niệm là hơi thở. Khi ăn uống có chánh niệm thì sự ăn uống là đối tượng của chánh niệm. Khi giải một bài toán, nghiên cứ một vấn đề gì hay khi lái xe hay khi sắp hàng chờ làm một việc gì… mà ta có chánh niệm thì tất cả hoạt động đó là đối tượng của chánh niệm. Và khi chánh niệm có mặt thì định lực đương nhiên phát sinh. Định là sự ngưng tụ, sự tập trung, trạng thái không tán loạn, không tạp niệm xen lẫn và không đi lạc của tâm thức. Chánh niệm có sâu sắc, định lực có đủ mạnh đều phụ thuộc vào công phu tu tập hằng ngày, phụ thuộc vào sự thực tập mọi nơi mọi lúc và môi trường hoàn cảnh khách quan chủ quan hằng ngày có thể của mỗi chúng ta.
Thiền hành tạo niệm, định và sự an lạc nội tâm. Trong thực tập thiền hành, chúng ta thường đề cập đến bốn yếu tố “bước chân, hơi thở, nụ cười và con số”. Tuỳ theo hơi thở của bạn dài hay ngắn, bạn có thể điều chỉnh sự phối hợp giữa số bước chân và hơi thở. Khi thở vào bạn có thể bước hai bước, thở ra bước hai hoặc ba bước, đồng thời bạn đếm thầm theo bước chân và miệng điểm một nụ cười. Thực tập theo cách này, bạn có thể sẽ không đánh mất bước chân khi theo dõi hơi thở. Tuy nhiên không nhất thiết là bạn phải quy tụ cả bốn yếu tố “hơi thở, con số, bước chân, nụ cười” thì bạn mới đạt được chánh niệm và sự an lạc. Có khi chỉ cần yếu tố bước chân thôi cũng đủ có chánh niệm và sự an lạc rồi. Nếu khi chánh niệm và sự an lạc ấy rời rạc, không liên tục thì bạn cần cầu sự viện trợ đến hơi thở, nụ cười, con số. Sự phối hợp giữa bốn yếu tố trên nghe có vẻ phức tạp, nhưng khi thực tập thì không khó lắm đâu bạn à.
Thưa các bạn! Trên đường thiền hành ví dụ như sáng nay chắc chắn có nhiều cảnh đẹp tại con đường tình thương đầy bi mẫn ấy, nếu bạn muốn ngắm cảnh, bạn có thể dừng lại và thực hiện điều đó trong sự duy trì hơi thở chánh niệm. Bởi vì, khi bạn dừng lại thì môi trường định sẽ được thu hẹp. Môi trường định thu hẹp thì định sẽ lớn hơn. Và sự tiếp xúc sẽ sâu sắc hơn. Bạn có bao giờ vừa đi vừa thưởng thức vẽ đẹp của hoa không? Chắc chắn là cũng có đôi khi nhỉ. Nhưng thật sự thưởng thức vẻ đẹp thiền định của hoa, ngắm nhìn em nó trong chánh niệm tỉnh thức để rồi quán chiếu mà tu tập thì cũng nên cần dừng lại.
Trong kinh Quán niệm hơi thở và kinh Bốn lĩnh vực quán niệm, Bụt có đề cao sự thực tập hơi thở chánh niệm. Bởi nó rất cần thiết và quan trọng. Nếu biết phối hợp nó trong công việc hằng ngày thì sự thực tập của chúng ta sẽ tiến triển rất nhanh. Ví dụ, khi lái xe, bạn có thể thực tập: “Thở vào, tôi ý thức mình đang lái xe; thở ra, tôi ý thức mình cần cẩn trọng hơn để không xảy ra những vấn đề ngoài ý muốn”. Để tự nhắc nhở, bạn có thể sáng tác những bài tập thiền hành phù hợp cho riêng mình để dễ thực tập. Nếu bạn phối hợp khéo léo thì bạn sẽ không cảm thấy sự rời rạc giữa hơi thở và hành động của công việc. Nhưng làm được điều này cần phải thêm một ít thời gian chuyên cần đó bạn. Khi sự thực tập của bạn kha khá, bạn sẽ cảm thấy rằng, không thể bỏ qua sự thực tập hơi thở chánh niệm. Bởi nó giúp bạn duy trì chánh niệm lâu hơn, sâu sắc hơn trong công việc.
Mong những bước chân chánh niệm này sẽ mang đến sự thư thái thảnh thơi lợi lạc trong việc tu tập và hành thiền. Kính mời đại chúng dành thời gian quý báu về chùa Phổ Từ tụng Kinh lúc 7:00 PM tối thứ hai, tư sáu và hành thiền vào tối ba năm bảy, đồng góp lời cầu nguyện cho “mưa thuận gió hòa, thế giới hòa bình, nhân sinh an lạc, dịch bệnh sớm tiêu trừ, đời sống được an ổn vui vẻ”.
Nam Mô Thường Hoan Hỉ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát!
Ban Biên Tập trang nhà Chùa Phổ Từ xin giới thiệu chùm ảnh ngày tu Bát Quan Trai Giới đến quý vị Phật tử gần xa. Kính chúc quý vị cùng gia quyến thân an tâm lạc và tinh tấn tu tập trong ánh hào quang của Chư Phật.
Hình Ảnh Bát Quan Trai 4-18-2021
Leave a Reply